Nếu tự nhiên con bạn hay khóc đêm, khóc quá nhiều, ưỡn người, quấy, bỏ ăn, lớn hơn một chút thấy nôn, sốt thì rất có thể trẻ bị đau bụng. Nguyên nhân chính khiến trẻ khóc từng cơn chính là do trẻ bị đau quặn bụng.
Những nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em có thể thay đổi tùy theo mức độ, có thể rất nhẹ và tự hết, có thể trở nên cấp tính, nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy không thể chủ quan cho rằng trẻ đau bụng sẽ tự hết và vai trò của các bậc phụ huynh theo dõi và nắm rõ tình trạng trẻ đau đến mức độ nào rất quan trọng. Trẻ bị đau quặn bụng là do các nguyên nhân sau:
Tâm lý: Thường gặp ở trẻ mới sinh tuần đầu tiên, đặc biệt hay xảy ra ở những trẻ thần kinh yếu, dễ bị kích động, hưng phấn, căng thẳng. Trẻ khóc nhiều, hay khóc đêm mà dân gian thường gọi là khóc dạ đề.
Ăn quá nhiều: Sẽ làm cho vùng dạ dày bị căng trướng quá mức, gây co thắt từng cơn.
Dị ứng thực phẩm: Nhiều thực phẩm mà người mẹ ăn vào rồi tiết qua sữa mẹ, hoặc sữa bò cho trẻ ăn bổ sung cũng khiến trẻ bị đau quặn bụng từng cơn. Trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử dị ứng lại càng dễ mắc.
Ruột có quá nhiều khí: Cho trẻ bú mẹ không đúng cách, lỗ núm vú cao su quá to hoặc quá nhỏ... đều làm cho trẻ bị nuốt một lượng lớn không khí khi bú. Lượng khí đó sẽ vào ruột khiến trẻ khó chịu và đau bụng. Khi bị đói trẻ sẽ mút ngón tay hoặc quần áo... đó cũng là nguyên nhân khiến không khí vào ruột. Khi trẻ khóc lại nuốt thêm một lần không khí nữa vào bụng, tạo thành vòng luẩn quẩn.
Khi thấy trẻ khóc nhiều, khóc từng cơn, kéo dài dai dẳng, cần làm những việc sau:
- Bế dựng trẻ lên, úp người bé vào phía ngực trên phần vai của người lớn, sau đó vừa vỗ nhẹ vào lưng, vừa ấn vào bụng dưới của bé để lượng khí trong đường ruột thải ra ngoài.
- Bế vác trẻ và đung đưa nhẹ để bé thôi khóc, lấy túi nước ấm (nhớ bọc khăn ra ngoài) chườm lên bụng trẻ để làm giãn các cơ ở vùng bụng.
Nếu thấy bụng trẻ trướng to, cùng với các cơn khóc nhiều và dày chứng tỏ bé bị đau bụng nặng, cần nhanh chóng cho không khí trong ruột thải ra ngoài bằng cách cho một ít glycerin dùng cho trẻ vào hậu môn.
Để tránh tình trạng đau thắt bụng ở trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần chú ý:
Phải theo dõi tình trạng và diễn biến của bệnh nhất là giai đoạn phục hồi. Cho trẻ nghỉ ngơi.
Chế độ ăn phù hợp: Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tránh những dị ứng từ các thực phẩm bổ sung. Trong trường hợp sữa mẹ không đủ, phải ăn thêm sữa ngoài, cần chọn cho trẻ loại sữa thích hợp. Không nên cho trẻ uống đồ chứa carbonnat, caffein...
Chỉ cho trẻ ăn ở mức vừa phải. Tránh nhồi nhét, ép trẻ ăn quá nhiều. Nếu trẻ bú bình, phải chú ý lỗ đầu vú cao su, không nên để to quá hoặc nhỏ quá. Bạn hãy biết điều tiết bữa ăn, nên cho trẻ ăn lúc nào là thích hợp, ban đầu chỉ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, ăn chậm, sau đó hãy cho ăn nhiều, ăn đặc và ăn theo sở thích, nhu cầu của trẻ.
Chú ý giữ ấm bụng cho trẻ, không được để bé bị nóng hay lạnh quá.
Khi trẻ khóc, người lớn cần bình tĩnh để tìm cách giải quyết, chớ cáu gắt, nóng giận... khiến trẻ càng khóc nhiều hơn.
Nên thường xuyên cho trẻ nghe nhạc cổ điển hoặc nhạc có tiết tấu êm dịu, khung cảnh trong nhà sạch sẽ, thường xuyên trò chuyện với trẻ... để trẻ được sống trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm.
Tóm lại: Để tiên lượng được triệu chứng và điều trị triệu chứng đau bụng của trẻ là việc làm khó vì trẻ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, nếu thấy trẻ có những biểu hiện không bình thường, khóc và kêu đau bụng kéo dài, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám loại trừ đau bụng ngoại khoa như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa... tránh được những hậu quả đáng tiếc gây nguy hiểm tới tính mạng.
No comments:
Post a Comment